TP. Nha Trang sẽ là nơi “đáng sống, làm việc và du lịch”

Ngày đăng 13/05/2023

Trong quy hoạch chung Nha Trang đến năm 2040, tỉnh Khánh Hoà định hướng phát triển Nha Trang thật sự trở thành một nơi “đáng sống, làm việc và du lịch”, có môi trường xanh, sạch và phát triển bền vững.

Tỉnh uỷ Khánh Hoà vừa có thông báo kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa tại buổi làm việc với các đơn vị tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị, nông thôn quốc gia - VIUP và Công ty McKinsey & Company Việt Nam về việc lập điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040.

Tỉnh Khánh Hoà định hướng phát triển TP. Nha Trang trở thành một nơi “đáng sống, làm việc và du lịch”

Thu hút các dự án đô thị, bất động sản

Theo đó, Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thống nhất về tầm nhìn đưa Khánh Hòa trở thành “Một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch” của quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở tầm nhìn quy hoạch tỉnh, đề nghị đơn vị tư vấn VIUP cần xác định rõ tầm nhìn, định hướng phát triển và các ý tưởng đột phá có tính khả thi cao trong việc điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang và đề xuất các giải pháp hiệu quả để thực hiện tầm nhìn đó. Trong đó, cần xác định rõ TP. Nha Trang phải thật sự trở thành một nơi “đáng sống, làm việc và du lịch”; có môi trường xanh, sạch và phát triển bền vững; có dịch vụ đa dạng, du lịch đẳng cấp; là trung tâm nghiên cứu sáng tạo của cả nước và khu vực.

Về phạm vi lập quy hoạch, Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa lưu ý không chỉ giới hạn ở địa giới hành chính TP. Nha Trang. Cần nghiên cứu định hướng mở rộng không gian phát triển kết nối đến huyện Diên Khánh và phía Nam thị xã Ninh Hòa. Bên cạnh đó, điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang phải gắn với mục tiêu để đưa Khánh Hoà trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Bãi biển Nha Trang thu hút đông đảo du khách quốc tế trước dịch Covid-19

Trong đó, làm rõ quy mô tăng dân số, gắn với mục tiêu thu hút đầu tư các dự án đô thị, bất động sản lớn, đẳng cấp; khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất; gắn với phân bố không gian phát triển hài hòa, hợp lý theo hướng mở rộng không gian phát triển về phía Bắc của thành phố (xã Vĩnh Lương, núi Cô Tiên) kết nối với khu vực phía Nam thị xã Ninh Hòa (đầm Nha Phu) và mở rộng không gian phát triển về phía Tây thành phố (khu vực đồi núi).

Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị các đơn vị tư vấn phân tích kỹ các nguy cơ về vấn đề môi trường của TP. Nha Trang hiện nay (chỉ tiêu về mật độ cây xanh trong đô thị thấp, rạn san hô suy giảm, hệ thống kè dọc sông chưa đảm bảo phù hợp về mặt cảnh quan, kiến trúc xanh, hệ thống xử lý nước thải) và dự báo vấn đề môi trường trong tương lai (sự gia tăng dân số, vấn đề môi trường biển…), đề xuất phương án giải quyết hiệu quả, hướng đến tầm nhìn xây dựng Nha Trang - Khánh Hòa trở thành “thành phố xanh” và phát triển bền vững.

Dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành

Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đề nghị các đơn vị tư vấn nghiên cứu, tính toán quy hoạch khoa học, hợp lý mạng lưới giao thông theo hướng đô thị thông minh, bảo đảm thông suốt, thuận lợi cho sự phát triển của TP. Nha Trang trong tương lai. Trong đó, thống nhất việc đề xuất di dời ga Nha Trang (ga hành khách, hàng hóa) ra khỏi nội thành để thực hiện việc quy hoạch và xây dựng phương án bảo tồn, sử dụng ga sau khi di dời đảm bảo hợp lý và phát huy hiệu quả.

Ga Nha Trang sẽ di dời ra khỏi nội thành

Theo tìm hiểu của PV Reatimes, ga Nha Trang tọa lạc trên đường Thái Nguyên (Phường Phước Tân, TP. Nha Trang). Công trình xây dựng năm 1935, đến nay vẫn giữ được nét kiến trúc thời Pháp, với kiểu dáng độc đáo, hài hòa, khoáng đạt. Theo Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, thời điểm trước dịch Covid-19, bình quân mỗi ngày có hơn 30 chuyến tàu ra vào ga Nha Trang, trong đó khoảng 20 chuyến tàu khách, còn lại tàu hàng. Dịp lễ, tết có khoảng 45 - 50 chuyến tàu ra vào ga Nha Trang mỗi ngày. Ga được bố trí nằm trọn trong đường vòng hình “bóng đèn” (đường ray chạy bao quanh hình bóng đèn). Tổng diện tích đất khu vực đường vòng “bóng đèn” là 14,8ha. Từ nhiều năm trước, tại các buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ, Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã có kiến nghị xem xét di dời ga Nha Trang, vì lượng tàu ra vào ga với tần suất lớn, thường xuyên gây ùn tắc, mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án cụ thể để thực hiện.

Liên quan đến quy hoạch mạng lưới giao thông TP. Nha Trang, Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa cũng kết luận không quy hoạch Bến du thuyền quốc tế ở phía Bắc thành phố như đề xuất của đơn vị tư vấn và đề xuất bổ sung quy hoạch Bến du thuyền đẳng cấp quốc tế tại khu vực đảo Hòn Tre do có vị trí thuận lợi hơn.

Quy hoạch nhà cao tầng dọc ven sông

Đối với quy hoạch phân khu TP. Nha Trang, Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa yêu cầu cần khoanh vùng lại các khu vực nội thị của thành phố không có khả năng điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, khu vực sân bay Nha Trang (cũ) là khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch; khu vực đảo Hòn Tre và các đảo lân cận là khu du lịch đẳng cấp gắn với bến du thuyền quốc tế lớn; khu vực phía Bắc của thành phố phát triển các khu đô thị mới gắn với du lịch biển, giải trí kết hợp với khai thác tiềm năng du lịch sinh thái của đầm Nha Phu; khu vực phía Tây tiếp giáp với các địa phương khác cần nghiên cứu khảo sát quy hoạch khu đô thị, khu du lịch sinh thái mang tính bền vững... Nghiên cứu tổ chức không gian đô thị ven sông (sông Cái, sông Quán Trường) với tầm nhìn mới, ý tưởng đột phá, táo bạo nhằm khai thác hiệu quả cảnh quan, không gian ven sông.

Trong quy hoạch xây dựng và không gian kiến trúc, TP. Nha Trang không chỉ quy hoạch xây dựng nhà cao tầng “hướng biển”, mà còn quy hoạch nhà cao tầng dọc ven sông

Một điểm đáng chú ý khác là về quy hoạch xây dựng và không gian kiến trúc. Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo nghiên cứu các công trình điểm nhấn ở một số khu vực và định hướng về mặt kiến trúc của công trình bảo đảm đẹp, độc đáo, mới lạ và đậm bản sắc để tạo nét riêng cho TP. Nha Trang. Nghiên cứu không chỉ quy hoạch xây dựng nhà cao tầng “hướng biển”, mà còn quy hoạch nhà cao tầng dọc ven sông (sông Cái, sông Quán Trường); hạn chế tối đa việc quy hoạch các khu đô thị chủ yếu phục vụ việc phân lô, bán nền, không bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đi kèm, không thu hút được người dân đến sinh sống.

Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giao UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì tổ chức các hội nghị phản biện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040, với sự tham gia của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa, các chuyên gia, kiến trúc sư đầu ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, nhằm huy động tối đa các ý tưởng, ý kiến đóng góp, bảo đảm đồ án có tính khả thi cao, sát với tình hình thực tế, giúp tạo đột phá cho TP. Nha Trang phát triển bền vững trong thời gian tới.

Nguồn: reatimes.vn

0905 18 48 55
HOAN Realtor